Kết cục Trận_Gravelotte

Hàng nghìn lính Bắc Đức đã hòa với lính Phổ hát vang ca khúc khải hoàn "Nun danket alle Gott" tại Saint-Privat, nhưng phải đến sau nửa đêm thì nhà vua và Moltke mới nhận được tin từ Friedrich Karl rằng cánh phải của quân Pháp đã bị đánh tan và quân đội Đức đã chiến thắng.[21][23]

Hội "Các Chị em của Tình thương" chữa trị cho thương binh sau trận Gravelotte.

Tổn thất trong trận đánh hết sức khủng khiếp, đặc biệt là với các đội quân Đức tham gia tấn công. Thiệt hại của họ bao gồm 328 sĩ quan và 4909 binh lính tử trận, 572 sĩ quan và 13.858 binh lính bị thương và 493 người bị bắt hay mất tích. Trong khi đó, quân Pháp mất 88 sĩ quan và 1.058 binh lính bị giết, 396 sĩ quan và 6.313 binh lính bị thương cùng 111 sĩ quan và 4.309 binh lính bị bắt hay mất tích[5] – phân nửa trong số đó bị thương. Trong khi 3/4 thương vong của quân Đức gây ra bởi súng trường Chassepot của quân Pháp, 3/4 thương vong của quân Pháp là do đạn pháo Krupp gây nên. Chi tiết thiệt hại có thể kể đến: các đơn vị Tập đoàn quân số 1 chịu thiệt hại đến 4.219 người, trong khi các đơn vị Pháp đối mặt với họ (Quân đoàn II, các sư đoàn 3 và 4 của Quân đoàn III) chỉ tổn thất 2.155 quân. Các sư đoàn bộ binh Cận vệ Phổ còn tổn thất nặng hơn nữa, mất 8.000 người trong tổng số 18.000 binh lính. Lực lượng Cận vệ đặc biệt Jäger mất 19 sĩ quan, một bác sĩ quân y và 431 binh lính trong tổng số 700 người. Lữ đoàn 2 bộ binh Cận vệ mất 39 sĩ quan và 1.076 binh lính. Lữ đoàn 3 bộ binh Cận vệ mất 36 sĩ quan và 1.060 binh lính. Về phía quân Pháp, các đơn vị phòng ngự Saint-Privat mất hơn nửa quân số.[21][23][27]

Trận đánh đã cho thấy sự linh hoạt của lực lượng pháo binh Phổ, khi họ vãn hồi tình hình sau các đợt tấn công thất bại của bộ binh và gây tổn thất ghê gớm cho các lực lượng phỏng thủ vững mạnh của quân Pháp. Sau chiến tranh, các nhà tư tưởng quân sự Đức đã nghiên cứu về tổn thất nặng nề của quân đội Phổ trong những trận đánh như Spicheren và Gravelotte để đúc kết kinh nghiệm rằng những cuộc tấn công ồ ạt bằng lưỡi lê của bộ binh không còn có tác dụng trên những chiến trường chi phối bởi hỏa lực súng trường và đại bác của chiến tranh hiện đại. Trái lại, các nhà tư tưởng quân sự Pháp khẳng định rằng những thắng lợi của quân Phổ bất chấp thương vong cao cho thấy tinh thần tấn công mới là nhân tố quyết định của chiến tranh hiện đại, chứ không phải hỏa lực. Quan niệm này đã góp phần củng cố trào lưu "sùng bái tấn công" trong giới chỉ huy quân sự Pháp đầu thế kỷ XX và dẫn đến những cuộc tấn công thảm bại của quân đội Pháp trong giai đoạn đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất.[8]

Vào ngày 19 tháng 8, Bazaine báo cáo với Hoàng đế về tình hình Tập đoàn quân Rhine: "Quân lực đã mỏi mệt với những trận đánh không ngừng nghỉ ấy, những trận đánh đã không để cho họ hồi sức; họ cần phải được nghỉ hai hoặc ba ngày.... Tôi vẫn dự tính tiến lên phía bắc và chiến đấu mở đường qua Montmédy trên đoạn đường Ste Ménéhould-Châlons, nếu như nó không bị [địch] chiếm đóng quá chặt chẽ; nếu không được, tôi sẽ tiến quân qua SedanMézières để đến Châlons". Và, để cho quân lực của mình được nghỉ dưỡng, Bazaine đã rút toàn bộ Tập đoàn quân Rhine uể oải vào trong pháo đài Metz. Và sự kiện đã đánh dấu sự chấm dứt vai trò tích cực của Tập đoàn quân Rhine trong cuộc chiến:[23] ngay từ trước khi trận đánh mở màn, Bazaine đã được cho biết rằng trong pháo đài chỉ có chưa đầy 90 vạn viên đạn Chassepot, song số lượng thực phẩm và đạn đại bác thậm chí còn khan hiếm hơn. Với nguồn thức và đạn dược hạn chế như vậy, Metz đã trở thành một cái bẫy thay vì là một nơi "nghỉ dưỡng" của Bazaine, và ông đã "mất đi khả năng phòng vệ đất nước".[21]

Đài tưởng niệm Trung đoàn Vệ binh 3 Phổ tại Saint Privat.

Trong buổi sáng ngày 19 tháng 8, khi mà quân Pháp đã tháo lui, người Đức vẫn không mang nhiều tâm trạng của kẻ chiến thắng. Ngoại trừ Moltke, toàn thể Bộ Chỉ huy quân Phổ đều hãi hùng trước cuộc tàn sát ở Gravelotte, trong đó người Đức bị thiệt hại nhiều nhất. Đặc biệt vua Wilhelm I bị sốc trước sau khi được tin Quân đoàn Vệ binh mất 8.000 sĩ quan và binh lính gần như chỉ trong 20 phút. Bismarck cũng lên án cách đánh "đồ tể" của Steinmetz. Nhưng Moltke hầu như vẫn giữ được điềm tĩnh, ông không hề tự nhủ mình có đáng bị quy trách vì những sai lầm trong trận đánh hay không. Song, với việc một tập đoàn quân chủ lực Pháp bị cô lập ở Metz, trận Gravelotte đẫm máu thật sự đã trở thành một thắng lợi chiến lược quyết định của quân đội Phổ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thất bại và sụp đổ của Đệ Nhị Đế chế Pháp cũng như sự ra đời của Đế quốc Đức. Tờ báo quốc gia National Zeitung của Phổ đã không khoác lác khi đánh giá Gravelotte là "sự kiện có tầm quan trọng lớn nhất trong cuộc chiến".[23][28]

Những diễn biến theo sau

Mặc dù vua Wilhelm I trở nên tin rằng chiến thắng Gravelotte và sự cô lập Tập đoàn quân Rhine trong pháo đài Metz là thời điểm quyết định của cuộc chiến, Moltke vẫn không dám chắc. Vào buổi sáng ngày 19 tháng 8 năm 1870, ông bắt đầu chuyển trọng tâm của mình sang cánh quân MacMahon tại Châlons ở phía tây. Được sự chấp thuận của đức vua, Moltke ra chỉ thị tách các Quân đoàn Vệ binh, IV và II từ Tập đoàn quân số 2 và để lại 4 quân đoàn còn lại của tập đoàn quân này ở Metz để phối hợp với Tập đoàn quân số 1 bao vây Tập đoàn quân Rhine. Thân vương Friedrich Karl được lãnh chức tổng chỉ huy lực lượng vây hãm pháo đài. Từ ba quân đoàn kia, Moltke thành lập Tập đoàn quân Maas dưới sự thống lĩnh của Thái tử xứ SachsenAlbert. Sau khi nghỉ ngơi trong các ngày 19 và 20 tháng 8, Tập đoàn quân Maas và Tập đoàn quân số 3 tiến về hướng tây vào ngày 21 nhằm giải quyết cánh quân của MacMahon và dứt điểm chiến dịch đánh Pháp.[26][27]

Mâu thuẫn với Friedrich Karl đã dẫn đến việc Steinmetz bị bãi chức và đổi làm Tổng đốc Posen vào ngày 15 tháng 9.[2]

Sau khi từ biệt Tập đoàn quân Rhine, Napoléon đến Châlons với MacMahon vào ngày 16 tháng 8. Tại đây, vào ngày 21 tháng 8, họ đã thành lập Tập đoàn quân Châlons gồm 14 vạn lính và 564 cỗ đại bác. Lực lượng của tập đoàn quân này bao gồm nòng cốt của các Quân đoàn I, V và VII, cùng với Quân đoàn XII mới được thành lập dưới quyền tướng Trochu, cộng thêm các tân binh và tiểu đoàn kho vừa được điều đến để bù đắp thiệt hại của quân Pháp trong các trận đánh ở biên giới trước đó, và 18 tiểu đoàn Vệ binh cơ động sông Seine. Trong khi đó, tại Paris, hung tin về những chiến bại ban đầu và sự mắc bẫy của Bazaine ở Metz đã gây cho dư luận đau buồn và trở nên phẫn nộ. Niềm tin vào chính quyền Đế chế bị xuống dốc và các cuộc bạo động của phe cộng hòa bùng phát. Trước tình hình đó, Hoàng hậu EugénieBộ trưởng Chiến tranh Palikao liên tục đánh điện thúc giục Napoléon rằng ông ta không thể dẫn Tập đoàn quân Châlons về Paris như một vị hoàng đế bại trận, vì điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của Đế chế. Trước áp lực của dư luận đòi giải nguy cho Bazaine, cộng thêm áp lực về sự cần thiết của một thắng lợi, MacMahon và Napoléon quyết định hành động. Rời Châlons, họ tiến quân đến Rheims và sau đó đến Montmédy trong một nỗ lực nhằm đi vòng sườn phía bắc của Moltke và giải vây cho Metz từ hướng tây bắc.[27]

Vào ngày 25 tháng 8 năm 1870, Moltke đã phát giác được cuộc hành quân của MacMahon. Ông huy động các lực lượng hùng mạnh của hai tập đoàn quân số 3 và Maas quay ngoặt theo hướng tây-bắc để truy lùng MacMahon. 5 ngày sau, hai thái tử Phổ và Sachsen đập tan một bộ phận quân Pháp trong trận Beaumont. Đến ngày 1 tháng 9, hơn 20 vạn quân Phổ-Đức do hai thái tử Phổ và Sachsen thống lĩnh đã bao vây tiêu diệt hơn 10 vạn quân của MacMahon tại Sedan, buộc Napoléon cùng 83.000 quân phải đầu hàng vào ngày 2 tháng 9. Ngày 4 tháng 9, một cuộc cách mạng không đổ máu tại Paris đã đánh đổ Đệ Nhị Đế chế và đưa nền Đệ Tam Cộng hòa lên nắm quyền. Nền Đệ Tam Cộng hòa non trẻ của Pháp phải đối mặt với cuộc vây hãm Paris và những chiến dịch khốc liệt vào mùa thumùa đông. Ngày 27 tháng 12 năm 1870, Bazaine cùng toàn bộ Tập đoàn quân Rhine đầu hàng tại Metz, tiền đồn cuối cùng của Đệ Nhị Đế chế.[27][29]

Trong khi Pháp gánh chịu thất bại chính trị và quân sự, các bang Đức đã được thống nhất thành Đế quốc Đức vào ngày 18 tháng 1 năm 1871.[27] 10 ngày sau đó, thành phố Paris đầu hàng. Cuộc chiến cuối cùng đã chấm dứt với Hòa ước Frankfurt ngày 10 tháng 5.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Gravelotte http://napoleonistyka.atspace.com/FRENCH_ARMY.htm http://www.historynet.com/the-day-of-doom-the-batt... http://www.gutenberg.org/files/36209/36209-h/36209... http://baotintuc.vn/vu-an-noi-tieng/huyen-thoai-ve... http://books.google.com.vn/books?id=0ogtpG0eCl4C&p... http://books.google.com.vn/books?id=H0WkcZbeqc4C&p... http://books.google.com.vn/books?id=VUgrKzXMdVEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=VUgrKzXMdVEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=axL0Akjxr-YC&p... http://books.google.com.vn/books?id=eEOLV_TtNfQC&p...